Mỹ và Nga hôm đều đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết của đối phương về khủng hoảng Venezuela.
Thứ Sáu, 01 Tháng Ba 2019
Cả Mỹ và Nga hôm thứ Năm (28/2) đều đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết của đối phương soạn thảo trình Hội đồng Bảo an xử lý vấn đề khủng hoảng Venezuela. Động thái mới nhất này của Mỹ, Nga khiến cho thế giới ngày càng chia rẽ về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang leo thang tại quốc gia thành viên OPEC.
Đặc sứ về Venezuela của Mỹ Elliott Abrams tại buổi họp Hội đồng Bảo an hôm 28/2.
Nga và Mỹ đã bất đồng mạnh mẽ về chiến dịch do Mỹ dẫn dắt nhằm kêu gọi thế giới công nhận ông Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela và về việc ép ông Nicolas Maduro rời bỏ quyền lực.
Nga và Trung Quốc đã phủ quyết nghị quyết Hội đồng Bảo an do Mỹ soạn thảo kêu gọi bầu cử tổng thống tự do và công bằng tại Venezuela và không cản trở hoạt động viện trợ nhân đạo. Văn bản của Mỹ đã thu thập đủ tối thiểu 9 phiếu đồng ý, nhưng bị hai nước thường trực phủ quyết, trong khi Nam Phi cũng bỏ phiếu chống và ba nước bỏ phiếu trắng.
Đặc sứ Mỹ về vấn đề Venezuela Elliott Abrams phát biểu trước Hội đồng Bảo an: “Bằng việc bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, một số thành viên hội đồng tiếp tục bảo vệ ông Maduro và bộ sậu của ông ta và kéo dài sự đau khổ của người dân Venezuela. Cuộc khủng hoảng do con người gây ra này đã mở rộng vượt ra ngoài biên giới Venezuela và đe dọa làm mất ổn định khu vực.”
Sau đó, Hội đồng Bảo an cũng phủ quyết nghị quyết do Nga soạn thảo nhắm vào nhấn mạnh sự ủng hộ một giải pháp chính trị và hậu thuẫn chính phủ Maduro là bên điều phối chính các nỗ lực viện trợ quốc tế tại quốc gia này.
Văn bản của Nga chỉ nhận được 4 phiếu ủng hộ trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an. Có 4 phiếu trắng và còn lại là phiếu chống. Theo nguyên tắc, một nghị quyết của Hội đồng chỉ được thông qua khi có được tối thiểu 9 phiếu thuận và không bị các nước thành viên thường trực gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ phủ quyết.
Sau khi phủ quyết nghị quyết do Mỹ soạn thảo, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói: “Chúng tôi rất quan ngại về thực tế rằng buổi họp hôm nay có thể được khai thác làm một bước chuẩn bị cho một cuộc can thiệp thực sự, không phải viện trợ nhân đạo… với cáo buộc Hội đồng Bảo an không có khả năng giải quyết tình hình tại Venezuela.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nói rằng tất cả các lựa chọn trong việc giải quyết vấn đề Venezuela đều sẵn sàng. Tuy vậy, Đặc sứ Abrams đã bác bỏ cáo buộc của Nga rằng Washington đang chuẩn bị can thiệp quân sự vào Caracas.
Trước khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu, Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Francois Delattre, người ủng hộ nghị quyết của Mỹ soạn thảo, đã nói rằng nghị quyết này “không đại diện cơ sở pháp lý cho việc sử dụng vũ lực, và nó cũng không phải là nỗ lực để làm suy yếu chủ quyền của Venezuela.”
Cho tới nay, Mỹ và hơn 50 nước đã chính thức công nhận ông Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Nhưng ông Nicolas Maduro vẫn kiểm soát quân đội, các thể chế nhà nước và công ty dầu mỏ quốc gia PDVSA (doanh nghiệp chiếm 90% doanh thu xuất khẩu của Venezuela).
Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Wu Haitao nói trước Hội đồng Bảo an rằng: “Các vấn đề của Venezuela nên do người dân Venezuela quyết định.”
Đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc Samuel Moncada nói với Hội đồng Bảo an: “Nếu có mối đe dọa cho hòa bình, thì những mối đe dọa này đến từ nước ngoài.”
Vào đầu tuần này, Mỹ đã tăng cường sức ép lên chính quyền Maduro khi áp đặt thêm các chế tài mới và kêu gọi các đồng minh đóng băng tài sản của công ty PDVSA ở nước ngoài. Động thái này của Washington được đưa ra sau khi chính quyền Maduro hôm 23/2 đã dùng vũ lực để ngăn chặn hàng viện trợ vận chuyển vào Venezuela.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rằng Washington vẫn đang nghiên cứu các kế hoạch chuyển hàng viện trợ vào Venezuela bất chấp sự phản đối của chính quyền Maduro.
Xuân Thành